Thị trường dầu mỏ chao đảo, sụt giá mạnh trước gói kích thích kinh tế chưa như kỳ vọng từ Trung Quốc

Thị trường dầu mỏ chao đảo, sụt giá mạnh trước gói kích thích kinh tế chưa như kỳ vọng từ Trung Quốc

Làn sóng bán tháo đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/11), phản ánh tâm lý thất vọng của giới đầu tư trước gói kích thích kinh tế mới được Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới công bố. Diễn biến này càng trở nên đáng ngại khi dự báo nguồn cung dầu sẽ dồi dào hơn trong năm 2025.

Khi khép lại phiên giao dịch ngày 11/11, “vàng đen” Brent suy giảm 2.04 USD (tương đương 2.76%) về mức 71.83 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng không khả quan hơn khi “bốc hơi” 2.34 USD (tương đương 3.32%) còn 68.04 USD/thùng. Đáng chú ý, cả hai mặt hàng này đều đã chứng kiến mức giảm trên 2% trong phiên giao dịch trước đó (08/11).

Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích kỳ cựu tại Price Futures Group, nhận định: “Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử có thể tiếp tục gây xáo trộn thị trường. Khẩu hiệu tranh cử ‘khoan đi nào, khoan đi’ của ông ấy đã phần nào làm suy yếu động lực mua vào của các nhà đầu tư”.

Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – đã vượt đỉnh được thiết lập sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 05/11, trong bối cảnh thị trường đang nín thở chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về định hướng chính sách của Mỹ trong tương lai.

Đồng USD tăng giá tạo áp lực lên các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có dầu mỏ, khiến chi phí mua vào đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó gây sức ép giảm giá.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 4 tháng qua, cùng với đó là tình trạng giảm phát giá sản xuất ngày càng trầm trọng. Số liệu công bố ngày 09/11 cho thấy, dù Bắc Kinh đã tăng gấp đôi các biện pháp kích thích, nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Trong một báo cáo phát hành hôm thứ Hai, Bank of America Securities dự báo nguồn cung dầu thô từ các quốc gia ngoài khối OPEC sẽ tăng mạnh 1.4 triệu thùng/ngày trong năm 2025 và tiếp tục tăng thêm 900,000 thùng/ngày trong năm 2026.

“Sự gia tăng đáng kể nguồn cung từ các nước ngoài OPEC trong năm tới, cộng với gói kích thích chưa đủ sức thuyết phục từ Trung Quốc có thể đẩy dự trữ dầu leo thang, ngay cả khi OPEC+ không đưa ra quyết định tăng sản lượng”, Bank of America cảnh báo.

Zalo