Suốt hơn một thập niên, Li Dongmei, 36 tuổi, đã điều hành một loạt trường mẫu giáo và trường học dành cho trẻ em, bất chấp thực tế là tỷ lệ sinh đang giảm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cô phải “đầu hàng” vào năm 2020.
Tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa với việc số lượng trẻ em ghi danh vào các trường của cô ngày càng ít đi, và đỉnh điểm của điều này là giai đoạn cả thế giới lao đao vì đại dịch Covid-19. Thế là cô chuyển hướng sang một nhóm đối tượng học viên khác đông đảo hơn: người cao tuổi.
Tại trung tâm của mình ở Tế Nam, một thành phố ở miền đông Trung Quốc, hiện cô cung cấp các lớp học ca hát, khiêu vũ, âm nhạc và nghệ thuật cho người cao tuổi, với các hoạt động và chuyến đi thực tế được tổ chức thường xuyên. Và không giống như trẻ em phải có kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, người cao tuổi học quanh năm mà các lớp lúc nào cũng kín chỗ.
“Nền kinh tế lớn nhất là nền kinh tế bạc. Nó lớn hơn cả thị trường trẻ em”, cô Li cho biết.
Xã hội già hóa của Trung Quốc được cho là sẽ làm cạn kiệt sức sống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những thập niên tới. Nhưng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc phục vụ trẻ em, những tác động tiêu cực của sự thay đổi về cơ cấu dân số hiện tại là khá rõ ràng. Nhiều người trong số họ đành phải thu hẹp hoạt động hoặc thay đổi hướng đi.
Chẳng hạn, các công ty sữa sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh của Trung Quốc giờ đang phát triển sữa bột cho người cao tuổi. Chủ sở hữu những trường mẫu giáo và nhà trẻ đang đóng cửa các cơ sở đó để mở trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Một công ty công nghệ sản xuất thiết bị để cha mẹ theo dõi con nhỏ chuyển sang thiết kế sản phẩm giúp những người con trưởng thành theo dõi cha mẹ già của mình.
Trong Chỉ thị năm 2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi “tích cực thúc đẩy nền kinh tế bạc và phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với người cao tuổi”.
Về phần mình, hiện cô Li đã đóng cửa các trường học dành cho trẻ em của mình và tập trung vào cung cấp nhiều lớp học mới lạ cho người cao tuổi, bao gồm cả học catwalk và cách trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng thông qua việc tạo những video ngắn.
Cũng để mắt đến những khách hàng lớn tuổi, công ty quốc doanh Xinjiang Tianrun Dairy đã mua lại một đối thủ nhỏ hơn vào năm ngoái để tập trung vào việc sản xuất sữa bột cho người tiêu dùng trung niên và cao tuổi.
Nestlé, nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống của Thụy Sĩ, đã đề cập đến sự giảm mạnh về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vào năm ngoái khi công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy sữa bột dành cho trẻ sơ sinh tại Ai-len. Họ và các công ty sữa của Trung Quốc đã giới thiệu những sản phẩm sữa bột đặc biệt, có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi bao gồm ngăn ngừa teo cơ, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ tiêu hóa.
Yili Group, công ty sữa hàng đầu của Trung Quốc, cũng đang quảng bá sản phẩm của mình dành cho người cao tuổi thông qua các quảng cáo trên truyền hình.
Và không chỉ có sữa. 360 Security Technology, một công ty an ninh mạng của Trung Quốc – nơi sản xuất đồng hồ thông minh cho trẻ em, cho phép cha mẹ liên lạc với con cái và theo dõi vị trí cũng như việc sử dụng internet của chúng từ năm 2013 – đã giới thiệu đồng hồ thông minh dành cho người cao tuổi với những tính năng như máy đo huyết áp và nhịp tim, theo dõi vị trí của các thành viên gia đình có vấn đề và gọi điện khẩn cấp chỉ bằng một cú nhấp chuột vào năm 2019, với lý do “xã hội Trung Quốc đang già hóa”.
He-Ling Shi, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc, cho biết quy mô của thị trường dành cho người cao tuổi đang ngày càng mở rộng, buộc các công ty Trung Quốc vốn từng nhắm đến trẻ em và cha mẹ của chúng phải tham gia cuộc đua.
“Họ không có lựa chọn nào khác”, ông nói.
Trong năm 2023, số ca sinh ở Trung Quốc chỉ còn 9 triệu, giảm khoảng 6% so với năm trước. Và số trẻ mẫu giáo đã giảm mạnh gần 12%, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Năm ngoái, Zhang Youlan nhìn thấy một mẩu tuyển dụng giáo viên mẫu giáo ở Tây An, một thành phố ở miền trung Trung Quốc. Vốn là người có kinh nghiệm trong việc này, cô liền đến tham gia phỏng vấn, nhưng hoá ra cơ sở đó không phải là trường mẫu giáo mà là một… viện dưỡng lão.
Họ nói với cô rằng vị trí này được quảng cáo theo cách đó vì nhiều trách nhiệm vẫn giống nhau. Cô cho biết công việc mới của mình cũng giống như công việc cũ: hướng dẫn một lớp học ca hát và nhảy múa, đồng thời dạy mỹ thuật và thủ công. Hằng ngày, cô gửi ảnh học viên của mình đang ăn trưa cho người giám hộ, thường là con cái đã trưởng thành của họ.
Cô Zhang nhận thấy các trường mẫu giáo đang đóng cửa. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 20,000 trường mẫu giáo đã đóng cửa tại Trung Quốc vào năm 2022 và 2023, với số lượng giáo viên mẫu giáo giảm 5% vào năm ngoái.
Ngược lại, lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi đang bùng nổ. Số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018.
“Tương lai ngành này tốt hơn so với trường mẫu giáo. Ngày càng có nhiều người cao tuổi và ngày càng ít trẻ em”, cô Zhang nói.
Cai Hao từng mở một cửa hàng bán đồ dùng cho các bà bầu và trẻ sơ sinh vào năm 2018 tại Thạch Gia Trang, một thành phố ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ban đầu cửa hàng của ông bán quần áo và giày dép cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Tuy nhiên, làn sóng trẻ sơ sinh trong những năm đầu sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách hai con sớm lắng xuống và đại dịch đã làm giảm lượng khách đến cửa hàng.
“Không có khách hàng. Nếu không có trẻ em, khách hàng không có lý do gì để mua sắm ở đây”,ông Cai cho biết.
Sau đó, vài năm trước, khách bắt đầu hỏi cửa hàng của ông có bán sữa bột cho người cao tuổi không. Nghĩ rằng mình “không còn gì để mất”, ông Cai bắt đầu dự trữ mặt hàng này. Doanh số tăng nên ông đã nhập thêm nhiều loại khác nhau, bao gồm một loại dành cho người tiểu đường và một loại dành cho người bị tăng huyết áp.
Ông thành thật cho biết chưa bao giờ có quyết định chiến lược là bắt đầu nhắm đến khách hàng lớn tuổi, nhưng hiện tại, khoảng 10% doanh số của ông đến từ các sản phẩm từ sữa dành cho người cao tuổi.
“Ai mà không muốn bán nhiều hơn nếu có thể chứ?”, ông nói thêm.
Nhã Thanh (Theo NYTimes)