Thủ tướng: Tạo thuận lợi tiếp cận vốn cho doanh nghiệp lúa gạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ ngày 14/07, khi đại diện doanh nghiệp phản ánh liên quan tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững chuỗi lúa gạo.
Thủ tướng cho biết đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Đồng thời, ngân hàng có hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận các chương trình tín dụng liên quan.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần xây dựng dự án cụ thể và khả thi để phía ngân hàng cho vay vốn.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Mục tiêu chương trình đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong vùng trồng 180,000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820,000 ha lúa phát thải carbon thấp…
Chương trình cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9,500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Đề án đang triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Bộ NN&PTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.
Tùng Phong